Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Khi mất ngủ, não và các cơ quan trong cơ thể không được nghỉ ngơi, các chất độc trong quá trình chuyển hóa sẽ không được đào thải ra khỏi cơ thể. Vì thế, các chức năng của não và các cơ quan khác đều suy giảm trầm trọng.
Áp lực công việc, cuộc sống là gánh nặng khiến cho tình trạng mất ngủ mạn tính, lo âu và trầm cảm ngày càng gia tăng ở mọi lứa tuổi. Do đó, để phòng tránh và điều trị hiệu quả tình trạng mất ngủ này đang là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm.
1. Mất ngủ mạn tính là gì?
Mất ngủ mạn tính hay còn gọi là mất ngủ kinh niên. Đây là tình trạng khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ vào bạn đêm, thức giấc sớm và không ngủ lại được trong thời gian kéo dài ít nhất là 1 tháng. Điều này dễ dẫn đến thiếu năng lượng, suy giảm tập trung trong ngày hôm sau và dễ để lại nhiều hệ lụy sức khỏe cho người bệnh.
Với trường hợp rối loạn giấc ngủ trong khoảng thời gian ngắn hơn, thông thường là mất ngủ dưới 1 tháng được gọi là mất ngủ cấp tính (ngắn hạn).
1.1 Triệu chứng của mất ngủ mạn tính
Khi bị mất ngủ mạn tính bạn có thể sẽ gặp phải một số triệu chứng như:
- Trằn trọc khó đi vào giấc ngủ
- Hay bị tỉnh giấc giữa chừng
- Dễ bị thức giấc sớm
- Cảm thấy lờ đờ, mệt mỏi và uể oải khi ngủ dậy
- Khó tập trung và suy giảm sự chú ý và ghi nhớ
- Cảm thấy khó chịu, lo âu hoặc trầm cảm
- Tâm trạng bồn chồn và dễ cáu giận
- Thường xuyên bị căng thẳng, nhức đầu
Tùy thuộc vào từng thể trạng của mỗi người mà sẽ có những biểu hiện khác nhau.
1.2 Nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính
Bệnh mất ngủ mạn tính có thể gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể liệt kê vài nguyên nhân thường gặp sau đây:
- Do một số bệnh về xương khớp như: đau nhức, thoái hóa đốt sống, thoái hóa khớp, loãng xương,…
- Do các bệnh về tim mạch như: cao huyết áp, suy tim,…
- Do một số bệnh về hô hấp như: giãn phế quản, hen suyển, khó thở,..
- Các bệnh về tiêu hóa: đau dạ dày, viêm đại tràng mạn tính, rối loạn tiêu hóa…
- Do những bệnh về tâm thần: người mắc những căn bệnh liên quan đến tâm thần cũng thường bị mất ngủ mạn tính và khó ngủ lại.
- Do môi trường: không gian ngủ không sạch sẽ, rộng rãi và nhiều tiếng ồn cũng là nguyên nhân gây nên mất ngủ mạn tính.
- Do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: ăn quá no, uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ hoặc sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ.
- Do rối loạn tâm sinh lý: căn bệnh trầm cảm, buồn rầu, tức giận, căng thẳng dài ngày,…
- Do thay đổi hormone: việc tăng giảm hormone trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc tiền mãn kinh cũng được coi là nguyên nhân gây nên bệnh mất ngủ mạn tính.
2. Các phương pháp chẩn đoán và phòng ngừa mất ngủ mạn tính
2.1 Các phương pháp chẩn đoán mất ngủ mạn tính
Để chẩn đoán được chính xác bệnh mất ngủ mạn tính đòi hỏi bác sĩ kiểm tra một cách tỉ mỉ. Không chỉ phân tích những vấn đề xung quanh giấc ngủ của bệnh nhân như: Tư thế ngủ, môi trường ngủ, những loại thuốc thường sử dụng, thói quen ăn uống,… mà bác sĩ còn khai thác thêm về nhân cách, sang chấn tâm lý để chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, một số xét nghiệm có thể được chỉ định trong chẩn đoán mất ngủ mạn tính như:
- Xét nghiệm công thức máu
- Xét nghiệm nước tiểu
- Điện não đồ, lưu huyết não hay siêu âm Doppler mạch máu não.
- X-Quang tim phổi, MRI sọ não, CT Scaner
Bên cạnh đó, một số trắc nghiệm tâm lý cũng giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của người bệnh để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Quá trình chẩn đoán này đòi hỏi sự kết hợp ăn ý của người bệnh với bác sĩ.
2.2 Cách phòng ngừa bệnh mất ngủ mạn tính
Để phòng ngừa bệnh mất ngủ mạn tính, bạn có thể thực hiện theo những cách đơn giản bên dưới đây:
Thăm khám sức khỏe định kỳ tại cơ sở y tế uy tín
Khi có những dấu hiệu nghi ngờ của mất ngủ mạn tính, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần phải đến khám ở các bệnh viện tâm thần hay khoa tâm thần trong các bệnh viện đa khoa để các bác sĩ, chuyên gia y tế thăm khám và tư vấn cụ thể.
Lưu ý không gian và thời gian ngủ
- Đảm bảo không gian yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn khi ngủ. Nếu phòng quá ồn hãy sử dụng một chiếc nút tai để hạn chế tiếng ồn.
- Vệ sinh phòng ngủ, gối nệm sạch sẽ, bố trí ánh sáng, nhiệt độ phòng vừa phải.
- Ngủ trưa với thời gian hợp lý: Việc bạn ngủ trưa quá nhiều sẽ làm cho giấc ngủ ban đêm của bạn không được sâu. Do vậy, hãy ngủ tối đa là 30 phút vào buổi trưa.
Đối với chế độ dinh dưỡng
- Tránh ăn quá no hoặc sử dụng quá nhiều chất mặn hoặc quá ngọt vào bữa tối. Thức ăn khó tiêu cũng là nguyên nhân gây nên mất ngủ, bởi vậy bạn nên ăn bữa tối trước khi đi ngủ ít nhất khoảng từ 3 – 4 tiếng.
- Hạn chế tối đa cà phê, rượu bia, nên ngừng uống ít nhất 8 giờ trước khi đi ngủ.
- Không sử dụng thuốc lá vì nicotine là một chất kích thích có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Đối với chế độ sinh hoạt
- Không xem ti vi nhiều giờ liền trước khi ngủ, không trò chuyện quá lâu trên giường ngủ.
- Tránh hoạt động mạnh hoặc để não quá căng thẳng trước khi đi ngủ.
- Tránh căng thẳng về tâm lý, cảm xúc và cần phải tạo ra một trạng thái thoải mái nhất trước khi đi ngủ. Bạn cũng cần có chế độ làm việc, giải trí, nghỉ ngơi hợp lý,…
- Tập thể dục thể thao là biện pháp tốt thư giãn đầu óc và nâng cao tinh thần. Bạn nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Theo giới chuyên gia, những bài tập tập thở sâu, chậm bằng cơ hoành cũng giúp giảm lo âu.
Vừa rồi, chúng ta đã cùng tìm hiểu về bệnh lý mất ngủ mạn tính và các nguyên nhân gây mất ngủ phổ biến. Áp dụng những biện pháp phòng ngừa trên sẽ giúp bạn cải thiện phần nào tình trạng mất ngủ kéo dài. Bên cạnh đó, nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để sớm phục hồi sức khỏe.